Những phương pháp giúp bạn nhớ toàn bộ kiến thức các môn xã hội

Năm 2017, xuất hiện thêm nhiều tổ hợp môn có chứa các môn Sử – Địa – Giáo dục công dân – Văn để xét tuyển vào đại học. Làm cách nào để học tốt và đạt điểm cao các môn “toàn lý thuyết” này? Dưới đây là những bí quyết giúp bạn học tốt các môn lý thuyết. 

Sử dụng sơ đồ tư duy 

Bất cứ môn học nào cũng đều có thể sử dụng sơ đồ tư duy các bạn nhé! Sơ đồ tư duy giúp bạn mường tượng được tất cả kiến thức phải học và nó có móc nối, liên quan đến nhau như thế nào. Vẽ được sơ đồ tư duy của môn học, tức là bạn đã thành công 50% trong việc học, nhớ toàn bộ kiến thức của môn đó. 

Chia nhỏ nội dung

Không học cả một bài dài một lúc mà chia nhỏ nội dung kiến thức cần học ra rồi mới học. Làm như vậy sẽ giúp bạn học thuộc bài nhanh hơn và tập trung thời gian nhiều hơn cho những phần khó thuộc, khó học. Học từ phần kiến thức dễ, tới phần kiến thức khó. Như vậy, sau khi học xong 1 phần kiến thức bạn sẽ thấy hứng thú hơn và có động lực hơn khi đã hoàn thành xong 1 mục công việc. 

Vừa học vừa liên hệ thực tế 

Đối với kiểu thi, hình thức thi mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 thì các môn dù là môn trước đây luôn được coi là toàn lý thuyết cũng được tổ chức thi với hình thức trắc nghiệm với các câu hỏi được chia theo 4 cấp độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đối với các câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng đòi hỏi các bạn cần có kiến thức xã hội thực tế mới có thể làm và đưa quan điểm của mình vào được. Do đó, trong quá trình học và ôn luyện kiến thức bạn cần phải liên hệ kiến thức lý thuyết với thực tế để nhớ lâu hơn và biết cách vận dụng vào trong giải đề thi. 

Vừa học vừa ghi chép 

Khi bạn học thuộc một phần kiến thức, bạn hãy dùng bút ghi xuống những nội dung kiến thức bạn đang học theo các gạch đầu dòng hoặc theo cách sắp xếp mà bạn dễ theo dõi nhất. Việc ghi lại nội dung trong quá trình bạn học và ôn luyện là cách mà bạn “gọi não” ghi nhớ các thông tin mà bạn cần nhớ. Việc này rất ít được các bạn để ý tới, nhưng đây là cách cực kỳ cần thiết để bạn nhớ toàn bộ kiến thức các môn Sử – Địa – Giáo dục công dân – Văn. 

Đừng đốt cháy giai đoạn 

Chú ý trong quá trình học cũng như ôn luyện các môn xã hội, bạn không được phép "đốt cháy" giai đoạn. Thay vào đó, bạn cần phải “xào nấu” lại bài vở sau mỗi buổi học trên lớp. Học từ từ, dần dần theo logic và cần có thời gian. Bởi các kiến thức của các môn xã hội được nối kết với nhau rất chặt chẽ. Nếu bạn không học bài trước thì bài sau bạn sẽ chẳng hiểu gì cả. Chắc chắn những lần học đầu tiên bạn sẽ không hiểu lắm một câu, một đoạn nào đó trong bài. Khi đó bạn đừng nản chí, bỏ cuộc mà hãy ngồi ngẫm nghĩ, động não thêm một chút, tìm mọi cách để làm sáng tỏ điều mà bạn không hiểu. 

Nên đầu tư thời gian 

Vì các môn xã hội liên quan rất nhiều đến khái niệm trừu tượng, các mốc thời gian lịch sử, các tên nhân vật, địa danh,… nên có khi bạn phải học thuộc lòng. Nhưng việc học thuộc lòng là một chuyện không hề dễ dàng gì. Yếu tố kiên quyết là cần phải có thời gian. Bạn hãy sắp xếp lịch học tập của mình một cách hợp lí để tránh lãng phí thời gian. Vào các thời gian rảnh rỗi, bạn nên tranh thủ học. Cứ như vậy các kiến thức môn xã hội sẽ được bạn “nấu chín”. 

Học dưới nhiều hình thức 

Kiến thức môn xã hội vô cùng đa dạng, phong phú. Để chiếm hữu được nó bạn cần phải biết kết hợp các hình thức học lại với nhau. Thay vì đọc sách khiến bạn căng thẳng, mỏi mắt thì bạn hãy nghe radio dạng sách. Để thêm phần hứng thú và thay đổi tinh thần, bạn có thể xem các đoạn video tư liệu đề cập đến lĩnh vực mà bạn đang quan tâm, tìm hiểu. Đặc biệt, việc đi du lịch, đi tham quan các khu di tích lịch sử, các địa danh cũng giúp bạn mở mang tầm hiểu biết, phát triển tư duy. 

Mạnh dạn trao đổi với mọi người 

Đây là một “thủ thuật” đã được chứng minh là rất hữu hiệu cho việc học các môn xã hội. Khi trao đổi kiến thức với mọi người xung quanh như: thầy cô giáo, bạn bè, đồng nghiệp,… bạn sẽ “vỡ vạc” ra được khá nhiều điều. Không chỉ lĩnh hội được nhiều điều mới lạ sau mỗi cuộc trao đổi đó, mà bạn còn có thể phát hiện ra những cái sai trong lối suy nghĩ mà trước đây bạn luôn cho là đúng. 

Biết liên tưởng và cho ví dụ 

Sở dĩ bạn thấy khó hiểu các kiến thức môn xã hội là vì bạn không biết cách liên tưởng và cho ví dụ sau mỗi khái niệm, định nghĩa hay luận điểm nào đó. Bạn hãy “cởi mở” trong lối tư duy để liên tưởng những luận điểm ấy với các hiện tượng, vấn đề trong cuộc sống. Sau đó, bạn nên tìm ra những ví dụ cụ thể, thực tế để chứng minh cho luận điểm ấy. Như vậy, kiến thức các môn xã hội sẽ trở nên dễ hiểu, dễ nhớ hơn rất nhiều, thậm chí làm cho bạn cảm thấy hứng thú hơn. Trên đây là những chia sẻ nhỏ về những điều bạn cần làm để học các môn xã hội đạt hiệu quả tối ưu. Hy vọng rằng qua bài chia sẻ này, các bạn sẽ yêu thích và học tốt hơn các môn xã hội. Chúc các bạn thành công nhé! 

Comments

Popular posts from this blog

SƠ ĐỒ VÀ CHUỖI PHẢN ỨNG HÓA HỌC HỮU CƠ DÙNG CHO HS 10-11-12

Vượt Qua Nỗi " Sợ" Viết Tiếng Anh Với 6 Công Cụ Kiểm Tra Lỗi Chính Tả Và Ngữ Pháp Miễn Phí

Tuyển tập dẫn chứng nghị luận xã hội phần 2 tư tưởng đạo lý